Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Giá khám, chữa bệnh cần có cơ chế kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của người bệnh
Theo dự kiến, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư này.
Trước đó, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, đây là dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm” gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở từng mặt, từng nội dung, từng khâu…; đồng thời, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng và tính ổn định, dài hạn của luật này khi được Quốc hội thông qua.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự án luật.
Quang cảnh phiên họp sáng 24-10. Ảnh: Trọng Hải |
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Các đại biểu thống nhất cho rằng, cần có quy định về mục tiêu tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.
Về nội dung này, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh thông tin, có ý kiến đại biểu cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, thẩm quyền quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và quy định khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo quy định của Luật Giá, song cần có cơ chế kiểm soát giá để bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị Nhà nước quy định khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến chỉnh lý dự thảo luật theo hai phương án.
Phương án 1: Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên nguyên tắc tính đúng và tính đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn.
Các yếu tố chi phí để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bao gồm 4 yếu tố: Chi phí trực tiếp cho người bệnh, chi phí tiền lương; chi phí quản lý; chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí khác.
Phương án 2: Quy định các chi phí khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chi phí sử dụng hàng hóa phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh và các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh; quy định cách thức xác định chi phí sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chi phí hàng hóa cho việc khám bệnh, chữa bệnh; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phương pháp tính giá khám bệnh, chữa bệnh, giá khám bệnh, chữa bệnh cụ thể đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, giá tối đa đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công tư.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp trên cơ sở phương pháp tính giá do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và phải thực hiện niêm yết, công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại luật chuyên ngành về giá để bảo đảm tính bao quát, toàn diện.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và nêu các yếu tố làm căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 108 của dự luật; đồng thời bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1-1-2027.
NGUYỄN THẢO - CHIẾN THẮNG
Các bài viết khác
- Thuế GTGT đối với trang thiết bị y tế
- Gỡ 'khó' loạt vấn đề liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán BHYT
- Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp để mua sắm thuốc
- Đề xuất quy định cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh trực tuyến
- Cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ 5 năm 1 lần: Tránh biến tướng, trục lợi
- Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề gây mê hồi sức
- Bác sĩ có được làm việc tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh cùng thời điểm?
- Luật hóa các hình thức xã hội hóa trong khám, chữa bệnh